Thứ Sáu, Ngày 24 Tháng 03 Năm 2023 |
Thực hiện Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021-2025.
Từ khi xuất hiện tại nước ta, dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội và ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống của người dân. Trước diễn biến khó lường, phức tạp của đại dịch COVID-19 với những biến thể nguy hiểm mới, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc Quốc hội có một Nghị quyết riêng, giao quyền chủ động cho Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp kịp thời đối phó, kiểm soát dịch bệnh.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đánh giá cao những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế, tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, những kết quả này đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân cả nước đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến kinh tế-xã hội. Từ cuối tháng 4 đến nay, người dân, doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng rất lớn, nhiều mặt do đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, số người mắc bệnh trong ngày là rất lớn và liên tục tăng cao. Nhiều địa phương đang phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, thời gian tới diễn biến còn có thể rất phức tạp. Do đó, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng cần tiếp tục kiên trì thực hiện. Trong đó, việc ứng phó, ngăn chặn kiểm soát thành công dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới sự ổn định và phục hồi kinh tế.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, và có thể phức tạp, khó lường hơn nữa trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị, nhân dân, cử tri cả nước cần đồng lòng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn nữa, trong đó có thể có những biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của luật hiện hành để có cơ sở pháp lý, tạo thế chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp mà pháp luật quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quyết định việc áp dụng các biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của một số luật hiện hành để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19, một đại dịch chưa từng có trên thế giới là rất cần thiết. Việc này tương tự như việc Quốc hội thí điểm một số chính sách mới đặc thù theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu quan điểm: Trước tình hình diễn biến của dịch COVID với biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, đồng thời cảnh báo có thể xuất hiện các biến thể mới với chủng mới còn nguy hiểm hơn delta. Điều đó đặt chúng ta phải có hành động quyết liệt, khẩn cấp hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút. Do đó, yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Vì vậy, việc đầu tư mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay. Tuy nhiên trong thực tế việc này đang có những vướng mắc về mặt pháp lý, đồng thời xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm, trông chờ dựa vào cấp trên của một bộ phận cán bộ chủ trì ở những cấp có quyết định đầu tư mua sắm trực tiếp. Chưa kể sẽ xuất hiện các tình huống phát sinh có thể phức tạp hơn nữa. Mặc dù Chính phủ đã ra Nghị quyết chỉ thị liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước các quy định chỉ đạo của Chính phủ vẫn chưa đủ mạnh. Quy trình, thủ tục vẫn còn những độ trễ lớn.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã thể hiện sự đồng hành với Chính phủ bằng việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, về hình thức văn bản, không nên đưa nội dung phòng, chống dịch COVID vào nghị quyết chung của kỳ họp mà nên có nghị quyết chuyên đề riêng về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay là rất cần thiết.
Để thuận lợi cho việc viện dẫn, áp dụng, vì trong khi nhiều vấn đề liên quan đến luật chưa thể sửa đổi, bổ sung, trong khi độ trễ của việc thực hiện các quy định của pháp luật thường kéo dài thì việc ra một nghị quyết chuyên đề của Quốc hội là cần thiết, là khách quan, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong điều hành, tập trung xử lý các tình huống khẩn cấp trong phòng, chống dịch. Hơn nữa, đây là nghị quyết mang tính lịch sử của Quốc hội, ban hành trong thời điểm lịch sử và cho một giai đoạn cũng rất lịch sử. Với sứ mệnh lịch sử như vậy, nghị quyết xứng đáng có tên gọi riêng.
Còn đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, cho rằng dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Quốc hội đã và đang đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình phòng, chống dịch.
Đại biểu Tô Văn Tám thống nhất cao với việc Quốc hội cần xem xét, quyết định một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, thể hiện trong nghị quyết của Quốc hội với nội dung cốt lõi là "cho phép Chính phủ áp dụng một số biện pháp đặc biệt khác với quy định của luật hoặc chưa có trong luật". Song, Quốc hội cần phải xác định rõ giới hạn, phạm vi và thời gian đủ để Chính phủ thực hiện phòng, chống dịch bệnh có kết quả.
Phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối về các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Nhiều đại biểu đề nghị những tháng còn lại của năm 2021, việc phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần quyết liệt và có giải pháp phù hợp với tình hình ở từng địa phương, từng địa bàn để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Về các đề xuất về một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, qua ý kiến các vị đại biểu thảo luận cho thấy, Quốc hội và cá nhân mỗi đại biểu Quốc hội luôn sẵn sàng đồng hành cùng với cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung và đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đưa vào nghị quyết kỳ họp của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Với những ý kiến đóng góp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng về các giải pháp của các đại biểu Quốc hội đề xuất để thực hiện phù hợp với từng địa phương, vùng miền./.
Nguồn Cổng TTĐT Quốc hội
Tags: Quốc hội thể hiện sự linh hoạt trong giao quyền cho Chính phủ |
|
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
THÔNG TIN
|
![]() |
|||||
|
|||||
|
|||||
|
|||||
|